Thủ đoạn của băng nhóm chuyên làm sổ đỏ giả lừa bán đất cho người dân
Bẫy lừa
Ngày 18/12, lãnh đạo phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Dương xác nhận, cơ quan này đang tạm giữ 4 đối tượng gồm: Trịnh Thanh Tâm, Trần Hữu Thành, Phan Thị Kiều Vân (SN 1990) cùng quê TP.Cần Thơ và Đoàn Văn Huy, SN 1990, ngụ tỉnh An Giang để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức.
Những năm trở lại đây, thị trường nhà đất ở khu vực phía Nam liên tục phát triển nhộn nhịp và gia tăng giao dịch mua bán. Riêng trên địa bàn tỉnh Bình Dương, do có nhiều khu công nghiệp lớn nên dân số ở nhiều nơi tập trung về đây để làm việc và sinh sống.
Chính điều này đã khiến thị trường bất động sản trong vòng 5 năm của tỉnh qua liên tục tăng và tạo nên một cơn sốt lớn, hàng trăm doanh nghiệp ra dự án, người dân cũng đua nhau xin tách thửa, lên thổ cư để phân nền bán cho những người có nhu cầu.
Thế nhưng, trong sự nhộn nhịp của nhà đất thì không ít những người dân đã phải nhận “quả đắng” khi xuống tiền mua phải sổ giả, đất giả, số tiền hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng “không cánh mà bay”.
Anh Nguyễn A.V, 30 tuổi, quê Bình Định cho biết, bản thân vào Bình Dương lập nghiệp được 12 năm, lương công nhân hai vợ chồng nhưng vẫn cố gắng tích góp tiền để mua một miếng đất vì không muốn ở trọ mãi.
Trong quá trình đi làm tại khu vực thị xã Bến Cát, anh V. thấy trên cột điện có treo bản bán đất giá rẻ nên đã lấy số điện thoại và liên lạc với một người phụ nữ để tìm hiểu thông tin.
Người này sau khi gặp đã dẫn anh V. đi coi đất, trong quá trình trên người này nói mua thì phải chuyển khoản cọc trước cho chủ đang sinh sống ở ngoài Bắc. Khi nào nhận được tiền thì sẽ thực hiện các thủ tục chuyển nhượng giấy tờ.
Tin tưởng anh V. xuống cọc, nhưng ngày sau nữ nhân viên môi giới liên tục hối anh trả tiền đủ để sang tên sổ. Không yên tâm, anh V. đi tìm hiểu mảnh đất tại khu vực mình mua thì xác định là một người chủ khác và người này không có mua bán cho bất kỳ ai.
Anh V. sau đó liên lạc đòi lại tiền cọc thì bị chặn số.
Cất lưới
Không chỉ trường hợp của anh V. cơ quan Công an tỉnh Bình Dương còn nhận được thông tin về hàng loạt các nạn nhân khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, thậm chí còn mất nhiều tiền hơn cả anh V.
Lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương sau đó chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự và các đơn vị nghiệp vụ theo dõi vào cuộc điều tra các đối tượng chuyên thực hiện hành vi lừa đảo, giả mạo con dấu, giấy tờ của cơ quan tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân.
Trong thời gian trên, lực lượng chức năng phát hiện một nhóm đối tượng thường xuyên thực hiện việc rao bán đất trên mạng, dán tờ rơi ở khắp nơi trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Nhóm này thường xuyên tiếp cận một số người dân, công nhân đang có nhu cầu mua đất để ở nhưng không nắm rõ các kiến thức hoặc khu vực đất cần mua.
Công an tập trung theo dõi và đưa 4 cái tên Trịnh Thanh Tâm, Trần Hữu Thành, Phan Thị Kiều Vân và Đoàn Văn Huy vào “tầm ngắm”. Ngày 16/12, lực lượng chức năng phát hiện Vân sẽ thực hiện giao dịch đất với 1 người dân thông qua việc bán sổ giả, công chứng để chiếm đoạt tài sản.
Ngay lập tức, các trinh sát vây ráp đối tượng và bắt quả tang khi Vân đang thực hiện hành vi sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả để nhận cọc số tiền 500 triệu đồng của một người dân.
Tang vật lực lượng chức năng thu giữ gồm 500 triệu đồng, 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả, 1 giấy biên nhận đặt cọc số tiền 500 triệu đồng.
Khai thác nhanh, Vân thừa nhận hành vi lừa đảo của mình và khai thêm ra 3 đối tượng Tâm, Thành và Huy cùng một đường dây với mình. Ngay lập tức những người trên cũng bị bắt và đưa về trụ sở công an để lấy lời khai.
Qua làm việc, các đối tượng khai nhận, do thấy thị trường bất động sản tại Bình Dương nhộn nhịp, nhiều người có nhu cầu mua nhà, đất để ở nhưng không có thời gian tìm hiểu thông tin, lợi dụng vấn đề trên, nhóm này đã thực hiện việc in ấn, mua hàng loạt các phôi, giấy tờ, con dấu giả để làm sổ đỏ rồi lừa bán cho người dân.
Nhóm này sẽ rao trên mạng, tờ rơi và thông qua cò để kiếm khách hàng, khi có người “cắn câu” nhóm sẽ cho đi coi đất và đưa sổ đỏ giả ra cho người dân xem để làm chứng rồi yêu cầu các nạn nhân đóng tiền cọc.
Nhận tiền cọc xong, cả nhóm sẽ tìm cách công chứng sang tên để chiếm đoạt tiền, hoặc chỉ nhận tiền cọc rồi “cao bay xa chạy”.
Các đối tượng khai nhận, đã làm 19 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả để phục vụ cho việc lừa đảo. Cả nhóm đã làm hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng đất cho 13 người, chiếm đoạt hơn 12,8 tỷ đồng.
Hiện, vụ việc đang được tiếp tục điều tra làm rõ.